Xuất bản thông tin

null Cập nhật kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế

Tin trong tỉnh

Cập nhật kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế

Sáng 16/9, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh năm 2020 bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu tỉnh tới 12 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu phát biểu tại Hội nghị

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xung đột, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt v.v.. Chính vì vậy, việc liên tục cập nhật tình hình trong nước và thế giới, xác định rõ thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn của các nước và thế giới tác động tới địa phương càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ông Đoàn Tấn Bửu kỳ vọng, qua những thông tin được cung cấp tại Hội nghị này, cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh sẽ quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc và có định hướng phù hợp với xu thế, hướng đến mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu được Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Học Viện Ngoại giao thông tin chuyên đề về cục diện, trật tự thế giới; đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh: “Thế giới hậu Covid-19 sẽ là một thế giới hoàn toàn khác, vĩnh viễn không bao giờ trở lại như thế giới chúng ta đã sống mới chỉ vài tháng trước đó”

Theo Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng hơn cuộc Đại suy thoái (1929 - 1933), triển vọng hồi phục bấp bênh trong tương lai gần; thương mại quốc tế và các liên kết kinh tế gặp nhiều khó khăn (theo WTO, thương mại toàn cần giảm 13 - 32% trong năm 2020); các nước đối mặt với thế lưỡng nan: Chống dịch và phục hồi kinh tế.

Cũng theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Học Viện Ngoại giao, mặt tích cực là giúp nhận diện rõ hơn những khiếm khuyết của toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu; thương mại, dịch vụ số bùng nổ (có lĩnh vực tăng 50 - 800%), đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phù hợp xu thế; thúc đẩy loại hình kinh doanh số mới (Uber, Airbnb, Dropbox v.v.); nhu cầu các mặt hàng thiết yếu tăng; thúc đẩy toàn cầu hoá theo hướng bền vững và bao trùm hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thương chiến Mỹ - Trung; tình hình Biển Đông; Asean và dịch bệnh Covid-19; vấn đề an ninh nguồn nước khu vực Sông Mê Kông; dự báo tăng trưởng kinh tế, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam v.v. cũng là những thông tin quan trọng được Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh chia sẻ tại Hội nghị.

Nguồn: dongthap.gov.vn